Lời giảng của cô giáo cho học sinh không bằng những lời nói như thông thường mà bằng ngôn ngữ của bàn tay. Học sinh phát biểu cũng vậy. Đó là những hình ảnh cảm động mà chúng tôi được chứng kiến khi đến thăm trường tiểu học, mẫu giáo dạy trẻ câm điếc Nhân Chính – Hà Nội ngày 19.11.
Vào ngôi trường đặc biệt này, cảm giác đầu tiên của tôi là không gian im ắng, tuyệt nhiên không có một tiếng động nào trong những giờ học. Ở đây, vẻ ồn ào vẫn thường có trong những lớp tiểu học bình thường trong giờ ra chơi là một điều xa xỉ.
Hơn 80 học sinh của ngôi trường này đều là những trẻ em bị câm điếc bẩm sinh. Các em theo học tại trường dưới hình thức bán trú với 6 lớp học từ mẫu giáo đến lớp 4. Trường nhận các em vào học từ độ tuổi 3 đến 17 tuổi. Tại đây, các em vừa được học văn hóa, vừa được phục hồi chức năng nghe nói.
Có lẽ, chưa có một môn học nào đặc biệt như thế khi các học sinh ở đây phải học môn học “lưỡi liếm mũi”. Cô giáo sẽ gắn một miếng bánh lên mũi từng em và hướng dẫn các em đưa lưỡi liếm miếng bánh trên mũi mình. Môn học đặc biệt này sẽ giúp lưỡi của các em hoạt động phục hồi dần để có thể phát âm ra những âm thanh đầu tiên của mình.
Có một điều đặc biệt rằng những em nhỏ bị câm điếc đang học tại ngôi trường này phần đông là những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cô hiệu trưởng Nguyễn Kim Chung cho biết: “Trường có khoảng 60% học sinh là những em có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn”.
Trường tiểu học, mẫu giáo dạy trẻ câm điếc Nhân Chính hiện có 13 giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy ở các lớp. Trong số đó, có không ít cô giáo đã gắn bó với trường từ những ngày đầu thành lập. Cô giáo Trần Thị Nhâm đã 15 năm gắn bó với trẻ em câm điếc ở ngôi trường này.
Mọi giao tiếp giữa cô giáo và học sinh trong trường học đặc biệt này đều bằng ngôn ngữ của bàn tay, vì thế nên việc chuẩn bị một bài giảng để đứng lớp cũng là một điều không mấy dễ dàng. “Chúng tôi sẽ phải tìm ra một cách nói nào thực sự dễ hiểu nhất, dễ diễn đạt nhất. Có thể nói, việc dạy những trẻ em bình thường diễn ra trong một giờ thì ở đây, chúng tôi phải cần đến 4-5 giờ thì mới diễn đạt được cho các em hiểu” – cô Nhâm cho biết.
Cô giáo Mai Thị Đảm chia sẻ một câu chuyện khá thú vị và cảm động: Vào sáng 19.11, niềm vui trong ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên mà cô có được là từ một học sinh nghèo nhất lớp. Em mang đến một gói… bimbim để tặng cô giáo và chỉ nói: “Em cảm ơn cô”. Đặc biệt hơn nữa, gói bimbim này lại là một món quà của học sinh này vừa được thưởng vì đạt nhiều điểm tốt trong tuần. Ở trường có thầy giáo dạy múa là thầy Đoàn.
Anh là diễn viên đang công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội và nhận lời đến dạy múa cho các em ở các lớp vào một số buổi chiều trong tuần…
Cô Nhâm, cô Đảm hay thầy Đoàn chỉ là những cá nhân rất nhỏ đang từng ngày, từng giờ dạy cho các em học sinh khuyết tật những bài học đầu tiên của mình. Ở đó không ồn ào náo nhiệt nhưng có những con người đang lặng lẽ cống hiến tâm huyết vì những học sinh bị thiệt thòi, ở đó là cả một bến bờ yêu thương mà những cô giáo, thầy giáo dành cho những học sinh đặc biệt của mình.
Thái Anh