Lớp học không tiếng nói
Trường PTCS dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội ( thường được gọi là trường Điếc Nhân Chính vì trường ở địa chỉ phường Nhân Chính, để phân biệt với trường Xã Đàn nằm ở ngõ Xã Đàn ) được thành lập vào tháng 8 năm 1990. Mục tiêu đào tạo của trường là phục hồi, cải thiện chức năng nghe nói , học hết chương trình lớp 5 tiểu học, hướng nghề và dạy nghề cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho các em. Vào thời điểm đó, trường là mô hình giáo dục khuyết tật dân lập đầu tiên ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Chính vì thế mà năm đầu thành lập, trường chỉ nhận 15 em, chỉ sau 3-4 năm, số học sinh ở trường đã tăng lên đến chừng 60-70 em. Năm học 2016 – 2017 con số đã lên đến 83 em. Các em không những ở quanh khu vực nội ngoại thành Hà Nội mà còn có các em ở các tỉnh thành khác như Thanh Hóa, Hà Nam, Vĩnh Phú, … Gia đình các em đa phần là nghèo, bố mẹ thường làm ruộng hoặc làm các công việc với đồng lương ít ỏi.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Giám hiệu nhà trường và sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chủ quản (Hội Chữ thập đỏ Hà Nội) đồng thời với nỗ lực trong công tác giảng dạy của các thày cô trong trường, trong suốt 26 năm qua, trường đã được các cấp các ngành từ Trung Ương đến thành phố trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Sự trưởng thành và phát triển của nhà trường đã được Thủ Tướng Chính Phủ hai lần trao tặng Huân chương Lao Động Hạng Ba và Huân chương Lao Động Hạng Nhì. Phụ Huynh ngày càng tin tưởng và sẵn sàng chung tay chia sẻ khó khăn với nhà trường. Kể từ khi thành lập, trường đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều cá nhân và tập thể trong và ngoài nước đến thăm và tặng quà. Các em được tặng quần áo, sách vở, đồ dùng thiết bị dạy học và máy nghe. Đã có những thời điểm 100% học sinh ở trường đều có máy nghe. Do tính chất máy trao tặng xuất xứ là các bạn nước ngoài đi quyên góp để làm quà tặng nên cũng có khi được máy mới, cũng có khi là máy đã qua sử dụng. Chất lượng máy khi được tặng đa phần còn sử dụng tốt, nhưng do điều kiện khí hậu thời tiết và chưa có kinh nghiệm bảo quản nên có một số máy chỉ được vài năm đã không còn đảm bảo chất lượng âm thanh nữa. Gia đình lại không có điều kiện nên các em lại mất đi sự hỗ trợ nghe để học tập tốt.
Năm học 2016 – 2017, sau khi cho con đi khám tại các cơ sở chuyên khoa, từ nhận định về khả năng nghe nói của các con bị hạn chế và không theo học được bằng phương pháp nghe nói, một số phụ huynh đã tìm đến trường và khát khao được giúp đỡ. Với phương châm và quyết tâm của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường “Nỗ lực tìm mọi cách tốt nhất có thể để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho trẻ khuyết tật và gia đình, dù đóng góp không nhiều…”, Ban Giám hiệu nhà trường đã thống nhất cùng hợp tác với nhóm phụ huynh đó, mở thí điểm một lớp học bằng phương pháp dùng NNKH để dạy kiến thức cho trẻ. Lớp học đã được rất nhiều người ủng hộ. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, mọi công tác từ chuẩn bị sửa sang lại lớp học, thay toàn bộ trang thiết bị trong lớp và tuyển sinh, ngày 9 tháng 8 năm 2016, lớp học đã được khai trương với 10 em đăng ký. Giáo viên dạy các em là người điếc, có giáo viên nghe nói của nhà trường hỗ trợ. Chương trình học cũng như phương pháp dạy học, cả thày và trò đều vừa thực hiện vừa tìm tòi, học hỏi. Sau 2 tháng cùng nhau nỗ lực, cùng nhau thi đua, đến nay các em đã dần quen với cách giảng bài của thầy, dần quen với nếp sinh hoạt mà cô rèn giũa. Nhận thấy sự chuyển biến của con qua thái độ, giao tiếp hàng ngày, phụ huynh thật sự phấn khởi. Có phụ huynh đã phải thốt lên rằng: “ Không biết về kiến thức rồi sẽ như thế nào nhưng với con em, nhiều cái con tiến bộ lắm: con đã chủ động giao tiếp với mọi người xung quanh, các hoạt động của con đã chứng tỏ con tự tin và mạnh mẽ hơn… điều đó làm gia đình em vui lắm…”. Với bản thân giáo viên chúng tôi cũng có nhận định: Có lẽ, được sử dụng ngôn ngữ của riêng các em, các em mới bộc lộ được hết khả năng của chính mình, chắc hẳn đây mới là cái các em cần. Hàng ngày, nhìn các thầy, cô là người điếc giảng bài cho các em, nhìn vào ánh mắt thầy và trò, mới thấy được sự đồng cảm vô bờ bến. Thầy rất hiểu các em, các em nhìn vào thầy để thấy mình trong đó. Đó là tương lai, là mục đích để các em phấn đấu mà học tập. Một lớp học không có tiếng nói nhưng chan chứa bao lời nói trong lòng mỗi người khi đến thăm và dự giờ. Trên trang Web của các cha mẹ điếc, một bài viết của một vị phụ huynh có con học lớp NNKH của trường đã bày tỏ sự vui mừng của cô và gia đình khi thấy cha mẹ đã chọn cho con một hướng đi mới, một niềm tin vào tương lai đầy tươi sáng cho các con không may bị khuyết tật, bố mẹ lại không có điều kiện trang bị máy nghe cho con. Tôi xin gửi vào đây lời tâm sự của bà mẹ trẻ đó.
“Một ngôi trường rất yên tĩnh, không ồn ào nhiều trong giờ ra chơi như những ngôi trường khác, nhưng ở đó có sự hi sinh thầm lặng có sự kiên trì và tình thương vô bờ mà các thầy cô giáo đã dành cho các con. Đó là trường dạy trẻ khiếm thính Nhân Chính. Trường dạy trẻ điếc , khiếm thính, tự kỷ. Nhìn bên ngoài trường rất đơn sơ vắng vẻ, nhưng vào bên trong chứng kiến các con nhiều khuyết tật được các cô chăm sóc tận tình mới thấy thật ấm áp. Trường có lớp dạy riêng cho trẻ tự kỷ, trẻ khiếm thính và đặc biệt trường mới mở một lớp dạy cho trẻ điếc đầu tiên ở Hà Nội lớp dạy hoàn toàn bằng ngôn ngữ kí hiệu do chính những giáo viên là người điếc dạy cho các con học sinh là trẻ điếc. Ở đó có sự đồng cảm có sự liên kết với nhau. Các thầy cô đặc biệt này rất thương học sinh đặc biệt của mình . tận tình chỉ bảo dạy dỗ từng nét bút cách ngồi. Truyền đạt cho các con tất cả những gì là tốt đẹp nhất . Vì các thầy cô đã từng trải qua thời đi học nên thầy cô điếc biết rất rõ phương pháp học nào là tốt nhất cho trẻ điếc phương pháp học nào ko thể áp dụng với trẻ điếc . Các thầy cô mong muốn trẻ điếc bây giờ sẽ tiếp thu tốt hơn bằng phương pháp họ đã từng học và tiếp thu tốt để tương lai của trẻ điếc sau này sẽ tiến xa hơn nữa . là một người mẹ tôi rất cảm động và biết ơn những tấm lòng mà thầy cô dành cho các con. Chúc trường càng ngày càng phát triển, chúc thầy cô khỏe mạnh để dạy các con để các con càng ngày càng tiến bộ”
Qủa thật, không cần phải thêm lời nào để nói hay nói tốt cho riêng mình, chính những tâm sự, những lời nói chân thật từ phụ huynh đã thay cho chúng tôi nói lên tất cả. Chúng tôi thật sự cần lắm những người cùng biết sẻ chia lúc khó khăn, cùng biết chung vui với những thành tích dù nhỏ nhoi đạt được. Họ chính là nguồn động viên lớn nhất với nhà trường chúng tôi.
Xin chân thành gửi lời cảm ơn các bạn, những phụ huynh đã coi trường là “chiếc nôi thứ hai” cùng đưa các em đến cái đích của cuộc sống.
Ở bài viết này, chúng tôi không muốn dùng tiêu đề cho bài viết là Dự án hay đề tài gì mà chỉ đơn giản, đó là điều mà chúng tôi đã và đang làm cho các em điếc và cha mẹ các em. Nó được xuất phát từ ý nguyện của phụ huynh, từ lời tâm sự rất thật và rất đáng được quan tâm của các em điếc ( tạm gọi cho các em không nghe được bằng tai cho dù đã được can thiệp đủ mọi cách). Biết là sẽ có vô vàn khó khăn, vô vàn trở ngại nhưng đó là những gì mà phụ huynh và các em đang cần nhà trường giúp đỡ. Chúng tôi đồng ý cùng cộng tác với họ, cùng trao đổi về mọi công việc từ bước chẩn bị, đến soạn thảo ra nội dung chương trình cho các em, rồi tìm giáo viên là người điếc. Rất may do có cùng tiếng nói, cùng tâm tư nên các thầy cô là người điếc đã nhận lời ngay. Các thầy, cô đều đã hoặc đang theo học tại các trường dùng NNKH như trường SP Đồng Nai, trường CĐSP Hà Nội. Tuy kinh nghiệm giảng dạy chưa phải là nhiều nhưng được thăm quan lớp học của các em mới thấy các thầy, cô và các trò như đã có một thứ ngôn ngữ riêng để hiểu nhau hơn, đồng cảm với nhau nhiều hơn, nên chúng tôi tin tưởng ở lớp học đó các em sẽ thấy vững tin hơn vào khả năng của chính mình.
Cho dù kết quả sau này có như thế nào chăng nữa nhưng nhìn thấy các em vui vẻ trong tiết học, gia đình cha mẹ phấn khởi là chúng tôi cảm thấy vững lòng.
Toàn thể các thầy, các cô trong nhà trường đang chờ đợi sự trưởng thành của các em từ những bước đi không hề được người đi trước “dọn đường”. Các em là người mở con đường đi mới cho các bạn có cùng cảnh ngộ.
Chúc các em được thỏa lòng với ý nguyện của mình.
Mong con đường đi sắp tới của các em sẽ bớt khó khăn hơn, có được nhiều tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước quan tâm giúp đỡ hơn. Các em sẽ đạt được những điều mà các em đang mong muốn.
Nhân Chính tháng 11 năm 2016